và nhọc nhằn, đặc biệt nếu không có thân nhân tá túc lại tại Hội An.
Năm đó, tuy chỉ còn vài ngày là hết hạn nhận đơn, một cậu học
trò nghèo của vùng Đại Lộc đã cố gắng lặn lội xuống tận Hội An để
xin học bổng, học bạ về học lực thì đã có từ trường, nhưng một trong
những giấy tờ quan trọng là chứng minh không có ruộng đất, tài sản,
vì phải hội đủ hai tiêu chuẩn “học lực xuất sắc và gia cảnh nghèo”.
Cậu bé bỏ ăn trưa, vội vàng tìm đến được “Ty Địa chánh Hội An”
nhưng đã trễ mất rồi, đó là ngày thứ Bảy, công sở đóng cửa nghỉ buổi
chiều.
Khi người học trò hớt hải chạy đến được Ty Địa Chánh, thì cũng
là lúc người nhân viên đóng cánh cửa cuối cùng và chuẩn bị về nhà
cho ngày nghỉ cuối tuần. Với vẻ thất vọng và lo âu khi đến “cửa
quyền” công sở, vốn quan liêu, đặc biệt với người học trò vùng quê
đến nơi công sở thị thành, cậu không dám mở miệng, nhưng có lẽ
nhìn trong ánh mắt âu lo và cảm thông với người học sinh nhỏ tuổi,
người nhân viên mở lời: “Cháu cần gì không?”
Người học trò vừa mừng vừa sợ, nói không ra lời và đưa tờ đơn
xin học bổng, người nhân viên đọc qua lá đơn và trả lời: “Để xem
bác có giúp được không!” và ông quay trở lại mở các cửa cơ quan, dẫn
người học trò vào và bảo: “Cháu ngồi đây đợi bác.”
Xong, ông quay vào trong bắt đầu lục soạn hồ sơ, tìm kiếm trong
chùm chìa khóa, mở các ngăn tủ, người học trò lấm lét nhìn qua,
nửa mừng nửa lo không biết người nhân viên có tìm ra được hết
hồ sơ về đất đai, con dấu, chữ ký,... cho xong tờ đơn xin học bổng
của mình, khi thấy ông đi từ bàn, tủ này đến bàn, tủ khác trong văn
phòng.
Thời gian chờ đợi, lo âu dường như là vô cùng đối với người học
trò, cho đến lúc người nhân viên bước ra, với nụ cười và nói với cậu:
“Giấy tờ của cháu đã xong hết!”
Người học trò ngước nhìn rơm rớm nước mắt biết ơn, muốn nói
cám ơn mà cũng không thốt nên lời, ấp úng không rõ ràng, nhưng
cũng để người nhân viên hiểu cậu muốn nói gì. Ông nhìn và trả lời
từ tốn: “Sau này cháu nhớ, nếu ai nhờ cháu giúp đỡ, hãy cố làm như
Bác đã giúp cháu ngày hôm nay.”
Thay Lời Cám Ơn