Ba tôi và Thầy đã trở thành bạn thơ với nhau, tuy nhiên cũng nghiệt
ngã và oan ức cho Thầy, cái “nghiệp” làm thơ của Thầy làm Thầy phải
sống mấy năm trong trại cải tạo.
Năm 1991 trước khi rời VN đi Mỹ, tôi về lại Hội An ghé thăm
Thầy, có lẽ đó là thời gian rất khó khăn của Thầy, tôi ái ngại với cuộc
sống lúc đó của Thầy, nhưng Thầy vẫn làm thơ, có lẽ cũng như Ba
tôi, Thầy đã sống sót qua được những ngày cải tạo gian nan, chính
nhờ có hồn thơ là một sức mạnh để Thầy vượt qua nhiều gian nan,
nghịch cảnh trong đời và nhân tôi đến thăm, Thầy làm tặng Ba tôi
bài thơ Đường như sau:
Gởi mấy vần thơ, chúc Bác Viêm
Luôn luôn sức khoẻ, mãi bình yên
Quê người, vẫn nhớ tình bằng hữu
Đất khách, nào quên gốc tổ tiên.
Mừng bạn thong dong ngày lão cảnh
Xót mình lận đận buổi tàn niên
Xa nhau ngàn dặm lòng mong ước,
Tái ngộ hàn huyên thỏa nỗi niềm.
Nói đến thơ Đường, thì thế hệ TQC chúng tôi không thể nào
quên được thầy Thích Tuệ Không, một tu sĩ “bí ẩn”, đa tài xuất hiện
ở Hội An. Thầy Tuệ Không nay cũng đã an nghỉ nghìn thu, trong
nghĩa trang được chăm sóc bởi các học sinh TQC mến mộ tài năng
của thầy, cũng là đạo lý vì không còn ai chăm sóc mộ phần cho
Thầy Thích Tuệ Không. Thầy Trợ và Thầy Tuệ Không vốn hai tay “cự
phách” về thơ Đường, có những cuộc đối thơ rất ly kỳ, thú vị, nhất là
những bài thơ độc vận để ép nhau “chiếu bí”. Đó là những ngày đẹp
“thơ mộng” của nhóm chúng tôi Tâm, Trung, Quang, Tùng, Khiết,...
Chúng tôi đều học thầy Công Trợ và theo Thầy Tuệ Không, lúc Thầy
Tuệ Không trụ trì ở chùa nhỏ bên cầu An Hội, cạnh sông Hội An
(Thu bồn). An Hội lúc đó rất êm đềm, thanh vắng, khác hẳn thành
phố du lịch bây giờ, với những đêm tịch lặng trên sông chúng tôi
như sống trong cảnh “Phong Kiều Dạ Bạc”, với lác đác những thuyền
câu khuya không xa mái chùa ở An Hội nơi chúng tôi hay đến ở lại
với Thầy Tuệ Không. Cảnh này như là “Cô Tô thành ngoại Hàn San
tự - Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền!” (Con thuyền đậu bến Cô
Tô, nữa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.)
Thay Lời Cám Ơn