Thay Lời Cám Ơn

(Hoang2711) #1

“Trăm năm tình viên mãn - Bạc đầu nghĩa phu thê”.


Năm xưa Thầy Kiệm dạy chúng tôi về công dân giáo dục, tôi vẫn
nhớ bài công dân giáo dục của Thầy về “Lòng Tự Trọng” và câu hỏi
khó của Thầy, lớp 9 khi tôi trả bài, Thầy hỏi: “Người trốn quân dịch có
lòng tự trọng hay không?”. Bài học năm xưa tôi vẫn không quên, gần
50 năm sau đến thăm Thầy, Thầy vẫn còn một bài học khác, bài học
về sự thủy chung, nhân nghĩa trong đạo lý vợ chồng. Như Thầy chân
tình tâm sự, không chỉ là tất cả số tiền cấp dưỡng cho hai vợ chồng
Thầy, Thầy dành gần như toàn bộ cho việc chăm sóc chu đáo người
vợ, ở tuổi 87, việc di chuyển đi lại không dễ dàng nhưng Thầy hàng
ngày đều đặn đến với vợ cho đến chiều tối. Những chi tiết được Thầy
kể lại như một bài học “công dân giáo dục” mới.


Năm xưa Thầy dạy về: “Thiên thu ghi tạc tình sông núi” và hôm
nay là “Hạnh phúc muôn đời nghĩa phu thê”. Buổi hàn huyên tâm sự
với Thầy và biết được sự chăm sóc nghĩa tình, tận tụy của Thầy đối
người vợ hiền, làm tôi suy ngẫm về tình nghĩa phu thê trong nhịp
sống mới hôm nay, về đạo đức, thủy chung, “nghĩa tào khang” qua
câu ca dao:


“Đèn nào cao bằng đèn sở Thượng,
Nghĩa nào trượng bằng nghĩa phu thê”.
Thầy Đỗ Kiệm đã sống trọn vẹn qua công việc hằng ngày của
Thầy và rất tha thiết, “êm ái ru tình già” như vần thơ:


“Vợ chồng nghĩa nặng tình sâu
Thương nhau đến lúc bạc đầu vẫn thương”.
Khổng Tử có lần nói rằng: “Đạo của người quân tử bắt đầu từ
quan hệ vợ chồng”.


Thầy Kiệm không chỉ dạy chúng ta về công dân giáo dục, mà còn
về cách sống trọn vẹn nghĩa tình của con người. Thầy đúng là một
nhà giáo chân chính và đó là điều khiến tôi viết bài này để chia sẻ
với các bạn học cũ năm xưa, đã có lúc cùng nhau trong lớp học, dưới
mái trường Trung học Trần Quí Cáp - Hội An, từng lắng nghe các
bài giảng về công dân giáo dục của Thầy Đỗ Kiệm.


Học sinh trường Trần Quí Cáp niên khóa 1967-1974
New Jersey – Trong cơn nóng bức (heatwave) tháng 07/2013


Thay Lời Cám Ơn
Free download pdf