Thay Lời Cám Ơn

(Hoang2711) #1

Chú Trừng, em út Trưởng Viêm kể lại một câu chuyện, khi chú
tôi còn nhỏ, Trưởng Viêm là anh trai đầu, hay đọc chuyện cho cả
nhà nghe, trong câu chuyện “Vô gia đình (Sans Famille)” của Hector
Malot có đoạn xúc động, chú tôi muốn khóc nên chạy trốn xuống
nhà dưới vì sợ bị các anh chị sẽ giễu cợt, nhưng Trưởng Viêm nhận
biết và chạy xuống nói với em mình, đang rơm rớm nước mắt: “Em
không có gì phải xấu hổ, hay phải che dấu sự xúc động của em với
nỗi đau của người khác, em biết thương yêu, xót xa cho những người
người bất hạnh là điều đáng quí.”


Trong nhiều cuốn sách ông chỉ chúng tôi đọc, cuốn “Tâm Hồn
Cao Thượng” là cuốn với nhiều kỷ niệm, ông khuyến khích và
thưởng cho chúng tôi cho mỗi câu chuyện chúng tôi đọc xong và kể
lại cho Trưởng.


Về tấm gương “Ái Nhân như Ái Thân” của Trưởng, thời gian trôi
nhanh, con cái không nhớ hết những gì cha mẹ dạy, nhưng nhớ rất
lâu và bắt chước những gì cha mẹ đã làm, mấy chục năm sau, đứa
“sói con” ngày nào chạy theo Akela Viêm, nay đã tiếp tục công việc
yêu thích của Trưởng, VINAHF (Tổ chức Nhân Đạo Việt Nam), một
hội từ thiện được ra đời từ hạt giống Trưởng Viêm gieo hơn nữa
thế kỷ trước để tiếp nối công việc “ái nhân như ái thân” và nguyên
tắc VINAHF về sự tôn trọng danh dự, lời nói, việc làm, việc giúp
ích mọi người cũng từ các luật Hướng Đạo, để ai cũng có thể tin
được lời nói của VINAHF, qua các công việc của VINAHF, tôi có
dịp kể những câu chuyện mà Trưởng luôn luôn vui khi được nghe,
khi được biết rằng “Đoàn chúng tôi mang tình thương đến gieo cho
muôn người”.


Năm 2009, VINAHF có tổ chức cuộc quyên góp để đi cứu trợ nạn
nhân bão lụt, một trận bão lụt khủng khiếp ở miền Trung, Trưởng
Viêm đã động viên chúng tôi các Mạnh Thường Quân qua một bài
thơ, sau đó tôi có báo tin cho Trưởng chuyến cứu trợ sẽ lên vùng
Nông Sơn và giúp cả khu vực “Hòn Kẻm - Đá Dừng”, một địa danh
gợi nhớ nhiều nỗi gian khổ với Trưởng Viêm và gia đình ông vì hơn
8 năm “cải tạo” Trưởng bị đoạ đầy tại nơi hiểm trở như câu ca dao:


“Ngó lên Hòn Kẻm Đá Dừng.
Thương cha, nhớ mẹ thì về,
nhược bằng nhớ cảnh nhớ quê xin đừng!”

Thay Lời Cám Ơn
Free download pdf