các cuộc cứu trợ của Hướng đạo Quảng Nam – Các tin tức về bão lụt
miền Trung là một sợi dây nối tôi về lại cái tuổi thơ “dữ dội” ở Hội
An. Tôi vẫn theo dõi các tin tức này cho dù ở đâu. Mùa Thu 2009, ở
Mỹ tôi nghe tin thiên tai tàn khốc, các cơn bão lũ liên tiếp 9, 10, 11
và trận thứ ba đã đánh nặng nề vào Phú Yên, một trong những thiên
tai mà Tuy Hòa được nhắc đến với trận lũ lụt lớn nhất trong suốt 40
năm. Internet nhanh chóng cho tôi được thấy vài hình ảnh của Tuy
Hòa, Phú Yên từ ở một phương trời xa xôi. Bài hát năm xưa lại gợi
lại, nó đã tạo cho tôi một sự gắn bó với Tuy Hòa.
Cho đến khi phi cơ hạ cánh phi trường Tân Sơn Nhất thì tôi biết
chắc mình sẽ ghé đến thành phố Tuy Hòa sau 27 năm vì Phú Yên là
điểm khởi đầu của các cuộc cứu trợ lũ lụt ra cho đến tận Quảng Bình
bởi vì vùng Phú Yên chịu thiệt hại nặng nề nhất trong thiên tai này.
Một ngày sau khi đến Sài gòn, giữa cơn sốt của Sài Gòn trong
trận chung kết đá banh giữa Việt Nam và Indonesia, tôi và Hoàng
- một người bạn đồng hành may mắn tránh được cảnh “bát nháo”,
kẹt xe để lên kịp chuyến tàu đêm, dự định đúng 7 giờ sáng mai sẽ
“rendez-vous” với nhóm thiện nguyện ở Phú Yên và nhóm TNV từ
Quảng Nam mà họ đã rời vào 3 giờ khuya hôm đó, để bắt đầu công
cuộc cứu trợ - điểm hẹn là tại ga Tuy Hòa.
Tôi và Hoàng xuống sân ga Phú Yên lúc sáng sớm và tôi tự nhủ và
mừng là cuối cùng tôi cũng một lần đặt chân đến Tuy Hòa. Các bạn
thiện nguyện đã chu đáo sắp xếp cho công cuộc cứu trợ nên chúng
tôi nhanh chóng bắt tay vào công việc ngay khi vừa gặp nhau. Chúng
tôi có bốn điểm trong vùng Phú Yên, đó là những nơi bị lũ tàn phá
nhiều nhất: làng An Định, thôn Đường Rày và một làng tại xã Xuân
Quang 2 – Đồng Xuân. Sau khi đến một nơi khá xa trong núi - buôn
làng Xóm Mới (mới lập từ 3 năm nay, nơi tập trung người dân tộc
Chăm Roy), chúng tôi đến xã Xuân Quang 2 và tìm đến được một
ngôi làng bị xóa trắng, cũng là nơi có số người chết nhiều nhất. Làng
có khoảng 44 gia đình và tất cả nhà cửa bị vùi lấp hoàn toàn trong
cát, dưới cơn lũ khốc liệt theo bùn đất từ núi lở. Thiên tai đã đành,
việc các đập thủy điện xã lũ cùng lúc làm cho người dân vô tội gánh
chịu thêm tai ương. Cảnh tang thương vẫn còn đó, chúng tôi đứng
giữa một khu trống trãi hoang tàn bên dưới lớp “sa mạc cát” là dấu
vết của nhà cửa bị vùi lấp. Không còn ai ở đây, nhà cửa đã sập đổ hết.